Chỉ vừa mới tháng 2 gần đây Sony đã chính thức cho ra mắt công chúng thế hệ kính thực tế ảo thứ hai của hãng – PlayStation VR2 – với những hứa hẹn về các tính năng và khả năng tương tác với người dùng vượt trội hơn hoàn toàn so với thế hệ đàn anh của mình. Thậm chí phiên bản kính thực tế ảo này còn được trang bị thêm các tính năng hoàn toàn mới như theo dõi chuyển động của mắt, độ phân giải tăng cường cũng như các tính năng đã được giới thiệu trước đây trên mẫu tay cầm DualSense như phản hồi xúc giác.
PlayStation VR2: The ultimate FAQ – PlayStation.Blog
PlayStation VR2 hứa hẹn đem tới vô vàn tính năng mới để nâng tầm trải nghiệm của người dùng
Mặc dù về mặt lý thuyết, sự vượt trội của PlayStation VR2 so với các sản phẩm kính thực tế ảo hiện nay trên thị trường là không thể bàn cãi, PlayStation VR2 vẫn có nhược điểm hiện hữu khi yêu cầu việc kết nối trực tiếp với PS5, khiến cho toàn bộ combo này trông có vẻ sẽ khá cồng kềnh. Nếu đem ra so sánh với những bộ kính thực tế ảo khác sở hữu hệ điều hành và vi xử lý riêng, không yêu cầu thêm phần cứng bên ngoài, điển hình có thể kể tới như MetaQuest 2, thì đây chắc chắn sẽ là một điểm trừ khá lớn cho chiếc kính này. Điều này dù vậy không có nghĩa là PlayStation VR2 không thể dành được ưu thế trên thị trường kính thực tế ảo, mà sẽ phụ thuộc rất nhiều vào hướng đi mà Sony lựa chọn cho thế hệ kính VR mới nhất của mình.
Việc thắng bại của PlayStation VR2 sẽ được quyết định phần nhiều theo 3 điểm mấu chấu chốt: Liệu các nhà phát triển có thể tận dụng được tối đa tiềm năng của chiếc kính này, việc cho ra mắt các nội dung độc quyền đủ hấp dẫn để thu hút được người dùng về phía mình và quan trọng nhất, liệu Sony có thể đưa ra một kế hoạch hỗ trợ lâu dài cho dòng sản phẩm này hay không. Nếu như PlayStation VR2 không có các tựa game cũng như nội dung độc quyền khiến người tiêu dùng cảm thấy đủ hứng thú, nhiều khả năng những khách hàng này sẽ chuyển sang lựa chọn các mẫu kính thực tế ảo gọn nhẹ, giá thành thấp hơn mà vẫn có thể tiếp cận được những tính năng và nội dung dành cho kính thực tế ảo phổ thông có thể tìm thấy ở hầu hết các sản phẩm loại này.
PSVR 2: Price, Games and Everything You Need to Know - CNET
Không thể phủ nhận một điều rằng công nghệ của chiếc kính VR2 này là thực sự vô cùng ấn tượng so với người tiền nhiệm của mình, hoặc kể cả khi đem ra so sánh với các đối thủ cạnh tranh. Với góc nhìn được mở rộng lên tới 110 độ, hỗ trợ 4K HDR 120Hz, trải nghiệm của người dùng chắc chắn sẽ là một sự nâng cấp hoàn toàn khi đặt lên bàn cân với PlayStation VR và Meta Quest 2. Để lấy ví dụ, một trong những tựa game mới nhất đang được phát triển dành cho PS VR2 từ nhà phát triển First Contact – Firewall Ultra – cho phép người dùng sử dụng chuyển động của mắt để ngắm bắn, đảm bảo sự chân thực tuyệt đối khi trải nghiệm, đi kèm với độ phân giải 4K giúp người dùng thực sự đắm chìm vào thế giới ảo mà thật với PS VR2.
Tính tới thời điểm hiện tại đã có khoảng hơn 42 trò chơi dành cho chiếc kính PS VR2 này, và chắc chắn là vẫn sẽ còn tiếp tục tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên nếu ta nhìn nhận một cách nghiêm túc thì mới chỉ có 3 trò chơi là độc quyền hoàn toàn cho PlayStation bao gồm Horizon: Call of the Mountain cùng chế độ VR dành cho Gran Turismo 7 và Resident Evil Village, một con số không quá ấn tượng nếu như Sony thực sự muốn cạnh tranh với các đối thủ khác trên mảng thị trường đầy tiềm năng này.
Mặc dù công nghệ chắc chắn rất ấn tượng nhưng chính các phần mềm – trò chơi và trải nghiệm tương tác của người dùng mới là thước đo chính cho sự thành công của Sony với PS VR2. Chiếc kính VR tốt nhất cũng sẽ chẳng là gì nếu như không có các trò chơi tuyệt vời để thể hiện toàn bộ tiềm năng mà nó sở hữu. Đây sẽ là cơ hội cũng như thử thách mà Sony cần phải vượt qua để một lần nữa chứng minh bản thân và chiếm ngôi vị dẫn đầu trên thị trường kính thực tế ảo đang ngày một phát triển và cạnh tranh gay gắt này.
Nguồn: ign.com

Để lại một bình luận